LÃNH ĐẠO KỂ CHUYỆN TRUYỀN CẢM HỨNG – KHÔNG AI KỂ ĐƯỢC CÂU CHUYỆN HOÀN HẢO NGAY LẦN ĐẦU TIÊN!

Tạo một câu chuyện truyền cảm hứng để thúc đẩy mọi người cùng hành động là một trong những kỹ năng quan trọng của một nhà lãnh đạo. Làm sao để thúc đẩy và tạo cảm hứng thay đổi cho người khác? Làm thế nào để kết nối sâu sắc với hàng trăm nghìn nhân viên? Làm sao để có một câu chuyện thật sự hiệu quả và ý nghĩa? Giáo sư Marshall Ganz của Đại học Harvard đã phát triển một khuôn khổ để bạn xây dựng và kể câu chuyện của chính bạn với người khác một cách hiệu quả và cảm hứng nhất. Phương pháp này có tên là Public Narrative

Nếu bạn là lãnh đạo mong muốn có sự kết nối sâu sắc hơn với đội ngũ nhân viên của mình, nếu bạn mong muốn phát triển khả năng kể chuyện truyền cảm hứng, NORA tin rằng, cuộc trò chuyện với chị Tâm Phạm (Hiện là Regional (SEA) Head of Lending Operations – Grab), một trong những người đầu tiên giảng dạy Public Narrative tại Việt Nam, sẽ cho bạn nhiều thông tin quý giá.

 

Nora The Talk Banner C Tam Phan

1. Cấu trúc và cách ứng dụng Public Narrative

Public Narrative là một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Không biết cơ duyên nào đã đưa chị đến với Public Narrative? 

Tôi là cựu du học sinh Mỹ theo chương trình học bổng toàn phần của Quỹ Giáo dục Việt Nam. Chương trình học bổng này chuyên đào tạo sau đại học các ngành khoa học kỹ thuật và y tế cộng đồng. Chính vì vậy, các cựu du học sinh chương trình này đều thuộc khối kỹ thuật, rất vững về chuyên môn nhưng không giỏi các kỹ năng mềm. Đến năm 2018, khi Quỹ chuẩn bị kết thúc 15 năm cấp học bổng, Quỹ quyết định đưa chương trình Public Narrative của Harvard về dạy cho các bạn cựu du học sinh – hiện đang làm lãnh đạo tại nhiều tổ chức – để giúp các bạn có kỹ năng kể những câu chuyện truyền cảm hứng và kêu gọi người khác hành động. Khi được tham gia khoá học này, tôi thấy thực sự “wow”, thực tế và hữu ích hơn tưởng tượng trước đó của tôi rất nhiều. Do đó, tôi cùng hai người bạn khác cùng nộp hồ sơ và nhận được tài trợ từ Đại sứ quán Mỹ để được đào tạo chuyên sâu kỹ năng này trong suốt một năm, sau đó trở thành một trong các trainer đầu tiên tại Việt Nam về kỹ năng này.

Nếu như cần giải thích cho một người chưa biết gì, chị sẽ giới thiệu về Public Narrative như thế nào? 

Public Narrative là nghệ thuật kể chuyện truyền cảm hứng dành cho lãnh đạo. Cấu trúc của Public Narrative gồm 3 phần rõ ràng: 

  • Thứ nhất là “Story of Self”: Câu chuyện của chính người lãnh đạo. Đây là những câu chuyện thể hiện được con người chân thật và những giá trị cốt lõi mà người lãnh đạo theo đuổi. 
  • Thứ hai là “Story of Us”: Câu chuyện của lãnh đạo cùng với người nghe. Người nghe ở đây có thể là một nhóm nhỏ, một công ty, một tập đoàn, hoặc cũng có thể là cả một quốc gia. Từ câu chuyện cá nhân ở phần một, đây là lúc tìm điểm chung và mở rộng ra câu chuyện của cả tập thể. 
  • Thứ ba là “Story of Now”: Câu chuyện về những gì đang diễn ra và tại sao chúng ta cần làm gì đó ngay và luôn. Hành động ở đây không phải điều gì đó quá lớn lao, mà là những hành động cụ thể có thể thực hiện ngay lập tức. 

Mục đích sau cùng của Public Narrative là kết nối 3H: Heart (Trái tim) – Head (Cái đầu) – Hand (Bàn tay). Tức là, sự kết nối bắt đầu bằng trái tim, bằng cảm xúc, sau đó đến lý trí, và kết thúc bằng hành động cụ thể.  

Nhiều người hay nhầm lẫn Public Speaking (Nói trước đám đông) và Public Narrative. Nhân đây tôi cũng muốn phân biệt hai khái niệm này. Khi một người muốn truyền tải một câu chuyện, họ sẽ phải chuẩn bị hai thứ: nội dung của câu chuyện, và cách truyền tải câu chuyện. Các kỹ thuật trong Public Speaking như cách làm chủ giọng nói, cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể, cách dùng slide trình chiếu,…sẽ giúp người nói có cách truyền tải câu chuyện tự tin hấp dẫn. Còn Public Narrative sẽ giúp người nói xây dựng nội dung bài nói chuyện thông qua các câu chuyện, và đó mới là điều làm nên sự khác biệt giữa người này với người khác, vì mỗi câu chuyện đều là độc nhất. 

Với người lãnh đạo, Public Narrative có thể được ứng dụng trong những tình huống nào? 

Public Narrative có thể ứng dụng trong rất nhiều tình huống, từ nhỏ đến lớn. 

Khi một Nhà sáng lập xây dựng thương hiệu của mình, một câu chuyện hay và từ chính bản thân họ sẽ giúp họ chạm đến trái tim những người động sự, nhà đầu tư và khách hàng của mình. Grab là một ví dụ. Grab được sáng lập bởi cặp vợ chồng Hooi Ling Tan và Anthony Tan với khởi nguồn từ một câu chuyện rất đơn giản. Đó là một ngày Hooi Ling Tan đi làm về buổi tối bằng taxi, cô cảm thấy không an toàn vì không biết người lái taxi này là ai và liệu ông ta sẽ chở mình đến đâu. Khi ngồi trên xe, cô đã phải giả vờ gọi điện thoại cho người khác để người lái xe nghĩ rằng cô đang nói chuyện với một người khác mà không có những hành động không tốt. Đó là lý do Grab được ra đời với sứ mệnh “safety first” (an toàn là trên kết). Khi được nghe câu chuyện này, tôi cảm thấy vô cùng kết nối vì tôi cùng từng rơi vào những tình huống tương tự. Cách đây 17 năm, tôi cũng từng đứng hoang mang một mình giữa sân bay Bombay Ấn Độ, trước mặt là mấy chục người lái taxi cao to, đứng vây quanh và anh nào cũng muốn giật balo của tôi để đưa lên xe của mình. Tôi đã rất lo lắng, bối rối không biết phải làm gì cho đến khi gặp được một cặp vợ chồng người Mỹ cho đi nhờ về khách sạn. Quay lại câu chuyện của Grab, việc nhà sáng lập kể câu chuyện về nỗi sợ trên xe taxi buổi tối đã tạo nên sự kết nối sâu sắc, khiến những nhân viên như tôi hiểu hơn về nhà sáng lập, về sứ mệnh của công ty và lý do mà mình đang cống hiến cho công ty đó.

Public Narrative cũng có thể được ứng dụng trong những bối cảnh hàng ngày. Trong một cuộc họp, lãnh đạo muốn kêu gọi nhân viên của mình cùng làm một điều gì đó. Thay vì ra lệnh một chiều, lãnh đạo có thể bắt đầu từ câu chuyện cá nhân, từ đó kết nối và thúc đẩy nhân viên của mình cùng hành động. Hoặc trong các buổi phỏng vấn ứng viên, lãnh đạo cũng có thể sử dụng “Story of Self” để tạo sự kết nối và tin tưởng với ứng viên, giúp họ hiểu công ty và xác định xem họ có phù hợp với tổ chức của bạn hay không. Với cá nhân tôi, sau một thời gian thực hành, tôi ứng dụng các kỹ thuật của Public Narrative một cách rất tự nhiên vào nhiều bối cảnh trong cuộc sống: khi tôi trò chuyện với đối tác, khi đào tạo đội ngũ nhân sự, khi trình bày chiến lược với cấp trên, khi làm điều phối sự kiện,… 

Ngoài ra, lãnh đạo rất hay phải nói chuyện dữ liệu, gần như là hàng ngày. Khi có kỹ năng Public Narrative, lãnh đạo có thể liên kết câu chuyện của bản thân với một điểm dữ liệu đang muốn trình bày. Khi đó, thông điệp mà lãnh đạo muốn truyền tải sẽ mạnh mẽ và thuyết phục hơn rất nhiều, thay vì dừng lại ở những con số khô khan hay những lời kêu gọi sáo rỗng.

Vậy tóm gọn lại, kỹ năng kể chuyện truyền cảm hứng đem lại những lợi ích gì cho người lãnh đạo? 

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là lãnh đạo sẽ tạo được sự tin tưởng trong đội ngũ của mình. “Story of Self” là câu chuyện của bản thân, có thể là câu chuyện mà lãnh đạo chưa từng kể với bất kỳ ai trước đây. Khi nói được ra những câu chuyện này (mà phần nhiều là những câu chuyện buồn, thất bại và dễ bị tổn tưởng), lãnh đạo sẽ tạo được sự kết nối chân thật nhất với đội ngũ của mình. Từ nền tảng là câu chuyện cá nhân, các kỹ thuật khi kể “Story of Us” giúp lãnh đạo biết cách biến người nghe trở thành một phần của câu chuyện, kết nối ở cả khía cạnh cảm xúc và logic với họ. Sau đó, “Story of Now” lại là bước kêu gọi những hành động cụ thể. Đối với Public Narratives, kể chuyện không phải để cho vui, mà sau cùng phải có một hành động được thực hiện ngay lập tức.

Khi lãnh đạo biết cách kể chuyện truyền cảm hứng, họ sẽ tạo ra được sự tin tưởng, hợp tác và thúc đẩy được những hành động đột phá trong tổ chức. Đương nhiên, một mình Public Narrative không thể làm tất cả mọi thứ, nhưng đây là một trong những kỹ năng mà lãnh đạo có thể sử dụng để phát triển doanh nghiệp của mình hiệu quả hơn. 

2. Hành trình để lãnh đạo kể một câu chuyện hay

Không phải lãnh đạo nào cũng sẵn có khả năng nói trước đám đông, vậy họ có thể học Public Narrative được không? 

Tôi cũng từng là người không giỏi nói trước đám đông. Trong suốt thời đi học, học bạ của tôi luôn được phê rằng “Ngoan, hiền, ít nói” bởi hầu hết thời gian trong lớp tôi ngồi im, không nói gì hết. Thế nhưng, tôi lại rất thích dạy học, muốn nối tiếp sự nghiệp 40 năm dạy toán của bố. Vì vậy, khi nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng Úc, tôi đã lựa chọn ngành giảng dạy Toán. Đến năm cuối phải đi dạy thực tập, mặc dù tôi đứng đầu toàn khoá về Toán & Máy tính trong suốt 3 năm đầu đại học, tôi đã rất sợ khi chuẩn bị phải đứng lớp, một phần vì bản thân vốn không giỏi nói trước đám đông, tiếng Anh lại không phải ngôn ngữ mẹ đẻ, lại còn được “doạ” rằng học sinh ở Úc rất quậy.

Ngày đầu tiên đứng lớp, tôi nói chuyện với cái bảng. Tôi không dám quay xuống để thực sự giao tiếp với học sinh. Vì run nên tôi còn nói lắp bắp, đến nỗi tôi nghe thấy một giọng nói phía dưới la lớn lên rằng: “Can you speak English?” (Cô có thể nói được tiếng Anh không?). Tôi đã giả vờ không nghe thấy và vẫn tiếp tục nói với cái bảng để che giấu những giọt nước mắt chực tuôn ra. Với một người giáo viên đứng lớp đang giảng bài bằng Tiếng Anh, đó là chuyện cực kỳ xấu hổ và khiến tôi mất tự tin hơn bao giờ hết. Suốt cả giai đoạn thực tập, ngày nào giáo viên hướng dẫn của tôi cũng ghi vào sổ nhận xét rằng giọng tôi quá yếu và không rõ ràng. Và ngày nào cũng vậy, mỗi khi nhận được lời nhận xét đó, tôi lại về nhà tập nói, luyện giọng. Cuối năm thực tập, tôi được điểm cao nhất cả khoá. Đó là một thành công tôi không thể nào ngờ tới, là dấu mốc tôi vượt được qua nỗi sợ nói trước công chúng của chính mình. 

Tôi kể câu chuyện của mình để chứng minh một điều rằng, nói trước đám đông là một kỹ năng có thể cải thiện và cần phải luyện tập. Lần đầu tiên kể câu chuyện của mình, bạn có thể ấp úng, thiếu tự tin. Nhưng một vài lần sau đó, chắc chắn bạn sẽ nói tốt hơn lần đầu. Bạn cũng có thể ghi âm những buổi nói chuyện của mình, sau đó nghe lại xem đã hợp lý chưa, có thể làm tốt hơn ở phần nào hay không. Luyện tập sẽ khiến kỹ năng của bạn hoàn thiện hơn mỗi ngày. 

Trong phần “Story of Self”, lãnh đạo sẽ cần học cách kể cả những câu chuyện không tích cực trong quá khứ. Điều này có tạo nên nhiều khó khăn cho các lãnh đạo? 

Khi tôi dạy Public Narrative tại Việt Nam, học viên chủ yếu là các chủ doanh nghiệp, các quản lý lãnh đạo ở nhiều công ty, tổ chức. Họ luôn cho rằng những điều mình nói ra phải thật “chuyên nghiệp” – tức là phải luôn nói chuyện công việc, chứ không có thời gian mà kể chuyện ở nhà, hay chuyện ngày xửa ngày xưa đi học. Họ cũng quen với việc chỉ nói những điều tốt, những thành tựu, những điều tích cực. Chính vì vậy, khi mới bắt đầu học Public Narrative, họ sẽ gặp khó khăn trong chuyện kể những câu chuyện thất bại, những tình huống dễ bị tổn thương trong quá khứ. Có những học viên còn nói với tôi rằng “Em đi học để biết kỹ thuật kể chuyện như thế nào thôi, chứ không định sẽ chia sẻ câu chuyện của mình”. 

Chính vì vậy, trong những lớp học Public Narrative, tôi luôn bắt đầu bằng việc thiết lập một môi trường an toàn cởi mở, nhấn mạnh rằng những điều mà các học viên chia sẻ trong lớp học sẽ chỉ nằm trong lớp học, không ai có quyền được kể câu chuyện của các bạn ra bên ngoài. Sau khi hoàn thành khoá học, việc các bạn có quyết định chia sẻ câu chuyện đó ra bên ngoài hay không sẽ là sự lựa chọn của từng người. 

Và đến khi khoá học kết thúc, hầu hết mọi người đều cảm thấy thoải mái để chia sẻ cả những câu chuyện sâu kín nhất, bởi họ thấy được giá trị của những câu chuyện này. Trước khi học, nhiều học viên không muốn nói về chuyện mình từng khóc trước nhân viên như thế nào, không ai muốn kể về những thất bại đau lòng những ngày đầu khởi nghiệp, hay những nỗi tủi nhục thời niên thiếu nhưng đó mới là những nguyên liệu chân thật nhất cho sự kết nối. Nếu như lãnh đạo đủ can đảm để nói ra cả những điều dễ bị tổn thương nhất, họ sẽ có khả năng kết nối sâu sắc với những người xung quanh. Đương nhiên, đó phải là những câu chuyện thật, không bịa đặt hay cóp nhặt từ câu chuyện của người khác. 

Ngoài ra, còn có khó khăn nào mà các lãnh đạo thường gặp khi học Public Narrative? 

Một khó khăn phổ biến khác mà các lãnh đạo gặp phải là không biết chọn câu chuyện nào để kể. Việc tự nhiên phải lục lại mấy chục năm sống trên đời, phải nhớ lại những ký ức từ nhiều năm trước xem mình đã làm gì, mình đã cảm thấy thế nào ở phút giây đó,… không phải chuyện dễ dàng. Lãnh đạo sẽ cần làm việc này thường xuyên bởi mỗi một lần “đào bới” quá khứ, họ sẽ lại nhớ ra thêm một vài yếu tố, và dần dần mở rộng thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Khi đã chọn được một câu chuyện đắt giá, họ cũng cần học cách đi sâu vào từng chi tiết: cảm xúc của họ lúc đó như thế nào, họ đã nghĩ gì, đã nói gì với những ai, thậm chí là cả những chi tiết nhỏ như tay họ run như thế nào, tim họ đập nhanh ra sao… Tất cả những tiểu tiết như vậy gộp lại khiến câu chuyện trở nên chân thật và sống động, giúp người nghe được như sống cùng họ trong chính khoảnh khắc đó. 

Trong giai đoạn đầu, hầu hết các lãnh đạo đều gặp khó khăn trong việc này. Không ai có được một câu chuyện hoàn hảo ngay trong lần đầu tiên. Thế nhưng, sau vài buổi thực hành, khi được coach để cùng tìm ra câu chuyện và đào sâu vào chi tiết, họ sẽ kể được một câu chuyện hiệu quả: ngắn gọn, xúc tính, có tính kết nối sâu. Câu chuyện của người lãnh đạo không được dài dòng, bởi người nghe sẽ dễ mất tập trung và không nắm bắt được thông điệp chính. 

Với cá nhân tôi, những buổi học Public Narrative đầu tiên giống như những buổi trị liệu tâm lý. Khi tìm câu chuyện, tôi phải ngồi xuống để nhìn lại những bước ngoặt lớn trong cuộc sống của mình, và đặt câu hỏi để hiểu tại sao mình lại đưa ra sự lựa chọn như vậy. Tôi thường áp dụng kỹ thuật đặt 5 lần liên tiếp câu hỏi “Tại sao?” để tìm được điểm mấu chốt trong những câu chuyện của mình. Public Narrative giúp tôi nhận ra nhiều điều mà trước nay tôi chưa từng nghĩ tới, giúp tôi nhìn sâu sắc vào bản thân mình. 

Chị có lời khuyên nào cho những lãnh đạo muốn phát triển kỹ năng kể chuyện truyền cảm hứng? 

Đầu tiên, các bạn cần tìm hiểu Public Narrative là gì. Hiện nay các khoá học trên Internet rất nhiều, các bạn có thể học lý thuyết trên mạng, hoặc học với trainer để được hỗ trợ trực tiếp trong việc cải thiện những câu chuyện của mình. Theo kinh nghiệm của tôi, nên có trainer/coach để dẫn dắt trong 2-3 câu chuyện đầu tiên để bạn hiểu cách phát triển câu chuyện, cách ứng dụng vào thực tế. 

Sau mỗi lần phát triển được một câu chuyện, bạn hãy lưu trữ vào một “thư viện” của riêng mình bởi một câu chuyện tốt có thể được kể trong nhiều bối cảnh khác nhau. Mỗi khi cần, bạn chỉ cần lựa chọn câu chuyện có sẵn trong thư viện và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh thực tế. Hãy nhớ rằng, câu chuyện hay nhất là câu chuyện thật của chính bạn, và không ai có thể kể những câu chuyện này tốt hơn chính bạn. 

NORA xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị! 

—-

Doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu thêm về dịch vụ, tư vấn cũng như hợp tác, vui lòng liên hệ:

Hotline: 0909 428 647 hoặc email: hello@nora.edu.vn

Trân trọng cảm ơn,

NORA ACADEMY – Business Storytelling & Communication

#nora #noraacademy #TheTalk #BizCom #BizPresentation #BizStorytelling #phongvanchuyengia

Chia sẻ: